Vì cả tin, nghe theo lời quảng cáo, truyền miệng, nhiều khách hàng bỏ qua những hiểm nguy rình rập do phẫu thuật được thực hiện từ người không có chuyên môn

Chúng tôi đến Khoa Tạo hình - Thẩm mỹ của Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP HCM) lúc 10 giờ ngày 25-11, khi nơi đây đang tiếp nhận điều trị tích cực cho một bệnh nhân vừa trải qua ca cấp cứu phức tạp với vùng đùi bị viêm nhiễm nặng. Bệnh nhân tên P.H.S (31 tuổi) mặt trắng bệch, vẫn còn nguyên đó nỗi bàng hoàng, khó nhọc kể lại những gì vừa xảy ra với chính mình.

"Nhanh thôi, rồi em sẽ đẹp!"

"Ánh đèn LED vừa bật sáng, lưỡi dao mổ đã trờ tới vùng đùi tôi. Cảm giác hơi nhói sau nhát dao đầu tiên nhưng những người mặc áo blouse bịt kín mặt mũi, xưng là "bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ" cam đoan chắc nịch rằng mọi chuyện sẽ thành công. "Không sao. Nhanh thôi. Rồi em sẽ đẹp" - họ liên tục trấn an. Tôi mím chặt môi, lấy hy vọng đó làm động lực để vượt qua nỗi sợ hãi đang đối diện" - anh S. kể.

Với số tiền 30 triệu đồng bỏ ra, anh S. được các "bác sĩ" lấy 4 cc máu để làm xét nghiệm. Chưa nhận kết quả, anh đã được gọi lên bàn phẫu thuật. Phòng mổ là một căn phòng có diện tích chưa đến 20 m2 ở trong một chung cư. Trang thiết bị không có gì hơn ngoài 2 cây đèn mổ, một chiếc máy hút mỡ, dao, kéo và những dụng cụ y khoa giản tiện nhất.

Đúng là mọi chuyện qua nhanh như lời các "bác sĩ" đã hứa. Sau 90 phút gồng mình với dao kéo, anh S. được đưa ra khỏi phòng mổ với đôi chân đã được lấy đi khoảng 1,5 lít mỡ. Đó cũng là thỏa thuận của đôi bên trước khi ca phẫu thuật thẩm mỹ được tiến hành.

Về nhà trong ngày với niềm hy vọng tràn trề đôi chân sẽ đẹp như ý nhưng gần 1 tuần sau, chân anh S. bắt đầu xuất hiện dấu hiệu viêm sưng, nóng đỏ kèm đau nhức dữ dội. Sợ hãi, anh quay lại cơ sở thẩm mỹ thì được các "bác sĩ" thực hiện rạch tháo mủ trong 2 ngày liên tiếp. "Khỏi ngay thôi! Triệu chứng bình thường sau ca mổ chứ không có gì" - vị "bác sĩ" trấn an. Đến khi sự việc ngoài tầm kiểm soát vì tình trạng viêm nhiễm nặng nề, họ mới để anh S. chuyển vào BV Chợ Rẫy cấp cứu.

Theo nhận định của các bác sĩ BV Chợ Rẫy, anh S. bị "áp xe" vùng đùi. Mặt trong của 2 đùi có mảng phù nề, viêm nhiễm, chứa đầy mủ, có kích thước 15 cm x 20 cm. Ca trực cấp cứu nhanh chóng tiến hành rạch ổ áp xe, hút ra 0,5 lít mủ. Anh S. phải ở lại BV theo dõi, điều trị trong hơn 2 tuần. Nếu chậm trễ thêm ít ngày, không biết hậu quả sẽ ra sao.

Anh S. không phải là trường hợp hiếm hoi bị tai biến do phẫu thuật thẩm mỹ. Chỉ trong tháng 10 (từ ngày 11 đến 29-10), tại TP HCM đã xảy ra 4 trường hợp tai biến liên quan đến phẫu thuật thẩm mỹ.

Bệnh nhân đầu tiên là một phụ nữ 59 tuổi (quốc tịch Mỹ), sau khi căng da mặt (ngày 11-10) tại BV Thẩm mỹ Kangnam đã tử vong vì bị sốc phản vệ do sử dụng thuốc tê trong quá trình phẫu thuật. Trường hợp thứ hai là bệnh nhân V.N.A.T (33 tuổi) tử vong sau phẫu thuật đặt túi nâng ngực (ngày 17-10) tại BV Thẩm mỹ Emcas. Nguyên nhân tử vong là bị suy hô hấp do tràn khí dưới da, tràn khí màng phổi dẫn đến ngừng tim. Trường hợp thứ 3 là nữ bệnh nhân 65 tuổi, sau khi xăm chân mày tại một thẩm mỹ viện trên địa bàn quận 1, do thủ thuật xăm đau đã bị xuất huyết não, hôn mê sâu rồi tử vong. Nhẹ hơn là trường hợp của một phụ nữ 58 tuổi, nhập viện cấp cứu sau 4 ngày thực hiện hút mỡ tại một cơ sở thẩm mỹ thuộc quận 10. Kết quả chụp CT Scanner, siêu âm bụng cho thấy bệnh nhân bị đọng khí dưới da vùng bụng và khu vực hút mỡ.

Toàn cảnh “phòng mổ” của một spa trong căn hộ chung cư P.P (đường Phan Văn Hớn, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP HCM). Ảnh: NGUYỄN AN

Nghề hốt bạc

Những vụ việc trên là vấn đề đáng báo động và dự báo sẽ còn xảy ra trong thời gian tới nếu không kịp thời chấn chỉnh. Bởi chỉ riêng tại TP HCM, mỗi năm có khoảng 250.000 người thực hiện dịch vụ thẩm mỹ các loại, trong đó khoảng 100.000 người làm đẹp trong độ tuổi 25-35 (thông tin được công bố tại một hội thảo khoa học liên quan đến an toàn trong phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ tổ chức hồi cuối tháng 11). Trên thực tế, rất nhiều khách hàng nhẹ dạ, cả tin, chỉ sợ xấu, liều lĩnh đi tìm cái đẹp từ những địa chỉ núp bóng, trá hình khiến những cơ sở dịch vụ thẩm mỹ mọc lên như nấm sau mưa.

Trong những ngày thâm nhập thế giới phẫu thuật thẩm mỹ, chúng tôi đã được bà K.T.H.H - chủ một spa trên đường Đặng Chất, quận 8 - tiết lộ: "Thẩm mỹ là thị trường rộng, làm thẩm mỹ là nghề hốt bạc, là nghề tiền tỉ nên tay ngang cũng muốn nhảy vào!".

Minh chứng cho nghề "hốt bạc" này, bà H. kể: "Tôi học nghề với giá 20 triệu đồng từ một bác sĩ thẩm mỹ nhưng chỉ sau 2 tháng, nâng xong 2 ca mũi, không những hoàn được học phí mà còn dư để mua sắm dụng cụ hành nghề. Một ca nâng mũi bằng sụn nhân tạo tại spa, khách hàng phải trả từ 10-30 triệu đồng, trong khi chi phí vật dụng chỉ trên dưới 500.000 đồng, gồm 2 ống thuốc tê, 1 chiếc sụn silicon, 1 nẹp cố định mũi, gạc, băng dính y tế, kim tiêm và chỉ may".

Nhưng đó là chi phí phẫu thuật ở một spa không phép. Ở nơi có trưng bày chứng chỉ hành nghề của chủ cơ sở như điểm tự xưng "Viện thẩm mỹ quốc tế" (đường Lê Hồng Phong, quận 10) thì giá cho dịch vụ nâng mũi tương tự là 45 triệu đồng. Ở một thẩm mỹ viện tự xưng khác ở phường 22, quận Bình Thạnh, nâng mũi có giá lên tới 55 triệu đồng.

Trong khi đó, theo một bác sĩ có tên tuổi trong lĩnh vực thẩm mỹ, giá 1 chiếc sụn nhân tạo "xịn" trên thị trường hiện nay chưa đến 200.000 đồng. Còn theo lời kể của PGS-TS-BS Đỗ Quang Hùng, Trưởng Khoa Tạo hình - Thẩm mỹ BV Chợ Rẫy, ông vừa tiến hành tái phẫu thuật mí mắt cho một nữ bệnh nhân bị biến chứng sau khi cắt mí với giá lên tới 19 triệu đồng tại một cơ sở không có chức năng nằm trên địa bàn quận 1. Ở những địa chỉ uy tín khác, chi phí cho gói dịch vụ này chỉ có giá bằng phân nửa.

Đình chỉ một thẩm mỹ viện

Ngày 24-12, Thanh tra Sở Y tế TP HCM cho biết UBND TP đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với Thẩm mỹ viện Sophie International (quận 1) 155 triệu đồng với các lỗi vi phạm: cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động; quảng cáo hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung.

Ngoài ra, cơ sở này còn bị đình chỉ hoạt động trong 9 tháng, buộc tháo gỡ, xóa những nội dung quảng cáo chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận trước khi thực hiện quảng cáo.

Thẩm mỹ viện Sophie International bị phạt liên quan đến việc thực hiện thủ tục thu tiền rồi chuyển đi cơ sở thẩm mỹ khác trên địa bàn TP để hút mỡ vùng bụng đối với một phụ nữ 28 tuổi mang thai.

Ng.Thạnh

Chỉ quan tâm làm có đẹp hay không

Chia sẻ với chúng tôi lý do đến thực hiện nâng mũi tại cơ sở spa của Hana Bùi (nằm trong căn hộ thuộc chung cư T.K, phường Trung Mỹ Tây, quận 12), chị N.T.T (29 tuổi; ngụ TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) cho biết: "Mình được người quen đã từng nâng mũi ở đây giới thiệu. Chị Hana Bùi làm đẹp, thủ tục lại đơn giản, không xét nghiệm rườm rà như tại BV, giá cả cũng phải chăng. Mình chỉ quan tâm là làm có đẹp hay không mà thôi". Chúng tôi bày tỏ lo ngại biến chứng vì thấy gần đây báo chí đăng nhiều, chị T. phẩy tay: "Bạn lo gì. Bao nhiêu người làm có sao đâu. Tại cơ địa nhạy cảm mới... xui thôi".

"Sợ xấu hơn sợ chết" cũng là tâm lý của chị M.H.N (35 tuổi; ngụ quận Gò Vấp, TP HCM). Theo chị N., từ nhỏ chị đã tự ti vì mũi không cao và thon, nhiều lần dự tính đi nâng mũi để được đẹp hơn. Bạn bè, người quen của chị nói làm ở BV, bác sĩ có chuyên môn nhưng chưa chắc đã đẹp. "Mấy cái spa, viện thẩm mỹ, người ta cập nhật thông tin, xu hướng thẩm mỹ nhanh hơn bác sĩ trong BV nên họ làm hợp "mốt", đẹp lắm. Với lại, một ngày có bao nhiêu người phẫu thuật thẩm mỹ, lâu lâu báo chí đăng một vài ca tai biến thì tính ra tỉ lệ đâu có cao. Ai xui thì chịu nhưng tôi nghĩ chắc tôi không xui vậy đâu. Với lại, trước khi chọn nơi làm, tôi cũng tìm hiểu kỹ qua nhiều người quen, thấy ai cũng ổn nên mới quyết định làm ở đây" - chị N. nói.

_Trích báo Người Lao Động_

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN MIỄN PHÍ